API là gì? Các loại API phổ biến và ví dụ về API
Dù trên thực tế API được sử dụng rất nhiều trên máy tính của bạn cũng như trên Internet, tuy nhiên rất ít người để ý đến nó và hiểu được bản chất của nó. Nếu bạn đang tìm hiểu API là gì và các loại API phổ biến, hãy tham khảo bài viết sau đây.
API là gì?
API là viết tắt của Application Programming Interface (Giao diện Lập trình Ứng dụng). Về định nghĩa, đó là giao diện mà một hệ thống máy tính hay ứng dụng cung cấp để cho phép các yêu cầu dịch vụ có thể được tạo ra từ các chương trình khác, và / hoặc cho phép dữ liệu có thể được trao đổi qua lại giữa chúng.
Trong thực tế có rất nhiều hoạt động diễn ra theo mô hình tương tự. Chẳng hạn như khi bước vào một nhà hàng sang trọng, có những đầu bếp tài hoa cùng menu vô cùng phong phú. Tất nhiên, đầu bếp là người chế biến món ăn cho bạn, tuy vậy bạn không cần phải tự thân đi xuống bếp để bảo họ nấu món này món nọ cho mình. Những người phục vụ bàn sẽ giúp bạn. Chỉ cần vào chỗ ngồi, chọn món ăn bạn muốn, rồi báo lại cho nhân viên phục vụ. Nhân viên ấy sẽ truyền đạt yêu cầu của bạn cho nhà bếp. Và khi món ăn đã hoàn thành, vẫn là những nhân viên phục vụ sẽ mang lên tận nơi cho bạn. Trong trường hợp này, người phục vụ ấy có vai trò như một API – trung gian giao tiếp giữa bạn và đầu bếp.
Trên máy tính có những phần mềm có thể giao tiếp qua lại với nhau, điển hình như giữa một chương trình bất kì với hệ điều hành. Chương trình đó có thể (và thường là phải) dùng các hàm API của hệ điều hành để xin cấp phát bộ nhớ và truy xuất tập tin. API của mỗi hệ điều hành là khác nhau, do đó những phần mềm trên hệ điều hành này thường không chạy được trên hệ điều hành khác.
Một trong các mục đích chính của một API là cung cấp khả năng truy xuất đến một tập các hàm hay dùng, ví dụ: hàm để vẽ các cửa sổ hay các icon trên màn hình. Các API, cũng như hầu hết các giao diện (interface), là trừu tượng (abstract). Phần mềm khi muốn cung cấp truy xuất đến chính nó thông qua các API cho sẵn, phải hiện thực API đó. Nhiều loại hệ thống và ứng dụng hiện thực API, như các hệ thống đồ họa, cơ sở dữ liệu, mạng, dịch vụ web, và ngay cả một số trò chơi máy tính.
Các loại API
Có nhiều cách để phân loại API. Một cách thường gặp là phân theo quyền hạn truy cập, gồm có:
● API mở (Open API): Còn được gọi là API công khai, không có hạn chế nào khi truy cập các loại API này vì chúng có sẵn công khai.
● API đối tác (Partner API): Cần các quyền hoặc giấy phép cụ thể để truy cập loại API này vì chúng không có sẵn công khai.
● API nội bộ (Internal API): Còn được gọi là API riêng tư, chỉ các hệ thống nội bộ mới dùng loại API này, do đó chúng ít được biết đến và thường được sử dụng trong phạm vi công ty. Công ty sử dụng loại API này trong các đội ngũ phát triển nội bộ khác nhau để có thể cải thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình.
Ngoài ra người ta cũng thường phân loại API theo các phân ngành nhỏ trong ngành công nghệ thông tin, chẳng hạn như API trên hệ điều hành, API của thư viện phần mềm và Framework, API trên nền web, …
Một số API ví dụ
Một trong những API chúng ta thường thấy trên mạng là tính năng sử dụng tài khoản Facebook (hoặc Google, Twitter, …) để đăng nhập vào các trang web khác mà không phải do Facebook kiểm soát (chẳng hạn như Shopee, Sendo, …). Mỗi lần bạn click vào nút “Đăng nhập bằng Facebook” trên các trang đó, nó sẽ gọi đến API của Facebook. Việc xác thực tài khoản do Facebook đảm nhận, trang web đó không cần thực hiện. Nếu xác thực thành công, tài khoản Facebook của bạn đã có thể truy cập vào trang này.
Một API khác cũng rất dễ gặp trên Internet là Google Maps. API này đã được tích hợp trên hàng triệu trang web từ lớn đến nhỏ trên khắp thế giới. Có thể coi Google Maps như một chuẩn mực về bản đồ của thời hiện đại. Ta luôn có thể dễ dàng xác định được vị trí của một công ty, tổ chức hay cửa hàng nhờ tấm bản đồ được tích hợp trên trang web hoặc trang mạng xã hội của họ.
Ngoài web API, còn rất nhiều ví dụ khác có thể kể ra. Chẳng hạn như khi chụp ảnh hoặc quay video từ máy ảnh iPhone, ta không cần phải viết giao diện máy ảnh của riêng mình. Ta sử dụng API máy ảnh để nhúng chiếc máy ảnh tích hợp trong iPhone vào ứng dụng. Nếu các API không tồn tại, các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải tạo ra phần mềm máy ảnh của riêng họ và biên dịch các đầu vào phần cứng máy ảnh. Nhưng Apple đã thực hiện tất cả những công việc khó khăn này để các nhà phát triển ứng dụng chỉ cần sử dụng API để nhúng máy ảnh, sau đó tiếp tục xây dựng ứng dụng của họ.
Qua bài viết này, Xosomienbaczone.com đã giải thích cho bạn hiểu API là gì cũng như phân loại và ví dụ về API. Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn!