Cách đặt tên công ty hay, ý nghĩa và đúng pháp luật
Trước khi thành lập công ty/doanh nghiệp ai cũng muốn đặt cho công ty của mình một cái tên thật đẹp, ý nghĩa và đặc biệt là phải đúng pháp luật. Tên công ty đại diện cho sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp, nó sẽ được xuất hiện trên giấy tờ văn bản pháp lý, trên nhãn sản phẩm,... vì vậy để tạo nên sự khác biệt và tạo nên thành công của công ty thì các bạn cần cân nhắc kỹ trước khi đặt tên công ty của mình. Vậy mời các bạn hãy cùng theo dõi cách đặt tên công ty hay, ý nghĩa và đúng pháp luật mà bài viết chia sẻ dưới đây.
Dưới đây là các cách đặt tên công ty hay, ý nghĩa và đúng pháp luật, các bạn hãy cùng tham khảo để có thể đặt tên công ty chuẩn nhất nhé.
Quy định cách đặt tên công ty đúng pháp luật
Tên doanh nghiệp/công ty phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố sau đây:
- Loại hình doanh nghiệp: đây là tên loại hình doanh nghiệp mà công ty của bạn hoạt động. Có các loại như Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân. Các bạn có thể viết tên đầy đủ loại hình doanh nghiệp như vậy hoặc các bạn có thể viết tắt: công ty TNHH, công ty CP, DNTN, công ty HD...
- Tên riêng: thành tố tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu. Tên riêng không cần phải có nghĩa theo tiếng Việt mà tùy theo suy nghĩ và mục đích đặt của bạn.
Ví dụ: Công ty Cổ Phần Lâm Sản Việt Nam, Công ty CP ô tô Trường Hải.
Tên doanh nghiệp/công ty phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp và được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Điều cấm kỵ khi đặt tên công ty
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp/công ty được quy định tại Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
- Cấm đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký, có các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký:
- Trùng tên gây nhầm lẫn không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà khách hàng dự định đặt tên. Ví dụ: Công Ty TNHH Minh Anh và Công Ty CP Minh Anh.
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp dự định đăng ký được đọc giống tên như tên doanh nghiệp đã đăng ký. Ví dụ: Công Ty CP Linh Nga và Công Ty CP Lynh Nga.
- Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký. Ví dụ: Công ty TNHH Thanh Hà viết tắt TH và Công ty TNHH Thiên Hà, viết tắt TH.
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi các ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
- Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Cách đặt tên công ty hay, ý nghĩa
- Đặt tên công ty bằng chữ tiếng Anh: các bạn có thể sử dụng các chữ cái Latinh trong bảng chữ cái của Việt Nam và chữ dùng trong viết tiếng Anh để đặt tên cho công ty của mình miễn sao đúng với pháp luật và không gây nhầm lẫn với tên công ty khác.
- Nên đặt tên công ty đơn giản dễ nhớ, khách hàng có thể dễ dàng ghi nhớ tên công ty của bạn và tiện cho thiết kế và in ấn bao bì thì các bạn nên đặt tên công ty đơn giản, dễ nhớ. Các bạn lưu ý không đặt những tên gọi khiến khách hàng hiểu sai như Công ty Thu Lợi, mọi người sẽ hiểu công ty chỉ quan tâm đến lợi ích của mình.
- Tên công ty cần có âm thanh hài hòa: các âm trong tên công ty liên kết với nhau tạo lên sự hài hòa ví dụ “Trường Xuân”.
- Tên công ty cần ngắn gọn, cô đọng xúc tích giúp khách hàng dễ nhớ hơn ví dụ Sony, SamSung...
- Tên công ty cần gợi nhớ đến hình ảnh công ty hay sản phẩm dịch vụ của công ty để khi nhắc đến tên công ty khách hàng sẽ biết công ty cung cấp sản phẩm gì, hay công ty ở đâu,...
Ví dụ: Công ty may Thăng Long, Công ty CP Xây dựng Hòa Bình...
Hướng dẫn kiểm tra tên công ty có bị trùng hay không
Để tra cứu tên công ty dự định đặt có bị trùng hay không các bạn chỉ cần truy cập vào trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại đường link https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx?aspxerrorpath=/vi-vn/checkexistname.aspx
Sau đó các bạn nhập tên công ty dự định đặt vào ô tìm kiếm và nhấn biểu tượng Tìm kiếm.
Nếu có tên công ty bạn dự định đặt trong tên doanh nghiệp thì tên này đã có công ty đặt rồi, các bạn cần lựa chọn tên khác. Nếu tên công ty bạn dự định đặt không có trong danh sách tìm kiếm này thì các bạn có thể sử dụng tên này.