Cách tính năm nhuận chuẩn nhất
Chắc hẳn các bạn đều biết hoặc nghe nói đến năm nhuận và cách tính năm nhuận, nhưng chính xác năm nhuận âm lịch và dương lịch là gì? Cách tính năm nhuận như thế nào là chuẩn nhất thì các bạn lại chưa biết rõ. Vậy các bạn hãy cùng tham khảo cách tính năm nhuận chuẩn nhất mà bài viết chia sẻ dưới đây.
Đầu tiên các bạn cần biết khái niệm năm nhuận là gì để tránh nhầm lẫn giữa năm nhuận âm lịch và năm nhuận dương lịch.
Năm nhuận là năm theo dương lịch sẽ chứa một ngày dư ra, theo âm lịch sẽ chứa tháng thứ 13 để đảm bảo đồng bộ việc lặp lại của năm trên lịch.
- Theo dương lịch thì các mùa và các sự kiện thiên văn không lặp lại chính xác sau một số nguyên các ngày, vì thế năm dương lịch cứ sau một khoảng thời gian nhất định phải thêm vào một ngày để đảm bảo việc chỉnh lại các sai số do làm tròn năm.
- Theo âm lịch thì do một chu kỳ quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất là khoảng 29,53 ngày nên một năm âm lịch chỉ có khoảng 354 ngày (làm tròn). Do vậy, cứ sau một vài năm âm lịch thì người ta phải bổ sung một tháng (tháng nhuận) để đảm bảo năm âm lịch tương đối phù hợp với chu kỳ của thời tiết, là yếu tố phụ thuộc vào chu kỳ quay của Trái Đất xung quanh Mặt Trời.
Cách tính năm nhuận chuẩn nhất
TÍNH NĂM NHUẬN THEO DƯƠNG LỊCH
Những năm dương lịch nào chia hết cho 4 thì năm đó là năm nhuận.
Ví dụ: 2016 chia hết cho 4 nên năm 2016 là năm nhuận.
Ngoài ra, với những năm tròn thế kỷ (những năm có 2 số cuối là số 0) thì các bạn lấy số năm chia cho 400, nếu chia hết thì năm đó là năm có nhuận (hoặc 2 số đầu trong năm chia hết cho 4).
Ví dụ: 1600 và 2000 là các năm nhuận nhưng 1700, 1800 và 1900 không phải năm nhuận. Tương tự như vậy, 2100, 2200, 2300, 2500, 2600, 2700, 2900 và 3000 không phải năm nhuận nhưng 2400 và 2800 là các năm nhuận.
Trong năm nhuận, tháng 2 có 29 ngày thay cho 28 ngày. Cứ 4 năm lại thêm 1 ngày vào lịch bởi vì một năm dương lịch dài khoảng 365 ngày và 6 giờ.
TÍNH NĂM NHUẬN THEO ÂM LỊCH
Ngày mồng một âm là ngày mà Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời theo thứ tự nằm thẳng hàng, Mặt trăng quay nửa tối về phía Trái đất (nên người ta thường nói tối như đêm 30), thời điểm này gọi là thời điểm không trăng, hay thời điểm Sóc.
Lịch âm lịch sẽ tính liên tiếp các thời điểm thẳng hàng hay thời điểm Sóc. Nếu hai thời điểm Sóc kế tiếp (sau khi làm tròn đến ngày, không tính giờ) cách nhau 29 ngày thì tháng đó thiếu, còn cách nhau 30 ngày thì là tháng đủ. Lịch này sẽ bị lệch gần 11 ngày so với dương lịch. Dồn 3 năm lại thì dôi ra 33 ngày, cho nên qua 3 năm phải nhuận 1 tháng. Dồn tiếp 2 năm nữa là được 25 ngày là gần được nhuận 1 tháng. Tính bình quân trong 19 năm thì có 7 tháng nhuận.
Cách tính năm nhuận âm lịch như sau:
Lấy số năm chia cho 19, nếu số dư là một trong các số: 0; 3; 6; 9 hoặc 11; 14; 17 thì năm âm lịch đó có tháng nhuận.
Ví dụ:
2014 là năm nhuận âm lịch (thêm một tháng) vì 2014 chia hết cho 19 số dư là 0.
2017 là năm nhuận âm lịch vì 2017 chia cho 19 dư 3.
2020 là năm nhuận âm lịch vì 2020 chia cho 19 dư 6.
2015 không phải năm nhuận âm lịch vì 2015 chia cho 19 dư 1.
2016 không phải năm nhuận âm lịch vì 2016 chia cho 19 dư 2.
2019 không phải năm nhuận âm lịch vì 2019 chia cho 19 dư 5.
Trên đây bài viết đã hướng dẫn các bạn cách tính năm nhuận âm lịch, dương lịch chuẩn nhất, cách tính cũng khá đơn giản nên các bạn có thể dễ dàng nhớ và áp dụng tính năm nhuận nhanh chóng. Chúc các bạn thành công!