Chân Nhân Bất Lộ Tướng là gì?
Mục lục nội dung
Nếu bạn là một tín đồ của phim cổ trang, tiên kiếm Trung Quốc hay dòng phim dã sử thì chắc hẳn bạn không còn quá xa lạ với câu "Chân nhân bất lộ tướng". Vậy bạn hiểu câu nói này như thế nào? Cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
Giải thích ý nghĩ chân nhân bất lộ tướng
Chân nhân bất lộ tướng vẫn còn một vế sau nữa chính là lộ tướng bất chân nhân. Chân nhân ở đây chính là một từ dùng để chỉ những người tu hành đã đắc đạo. Từ này cũng hay được dùng để chỉ những người sinh ra đã có số mệnh làm vua hay những người có tài, người giỏi giang.
Bất ở đây có nghĩa là không.
Lộ tức là để lộ, thể hiện ra bên ngoài ai cũng biết.
Tướng trong từ tướng mạo, dùng để chỉ vẻ bề ngoài.
Thông qua giải thích nghĩa từng từ có thể hiểu ý cả câu này chính là những người giỏi giang, đắc đạo, những người tài giỏi, thông minh sẽ không để lộ thân phận, tài năng cũng như sự giỏi giang ra bên ngoài để người khác thấy được mà thường sẽ che giấu, ẩn mình. Rộng hơn là những người có tài, có thân phận, có địa vị cao trong xã hội thường sẽ ẩn giấu, không tùy tiện thể hiện tài năng, khoe khoang bản thân mình với người khác. Còn những kẻ thích khoe khoang sự tài giỏi của bản thân đích thị không phải là người tài thực sự.
Bên cạnh đó, câu thành ngữ này còn có ý nghĩa nhắc nhở, khuyên nhủ mọi người, đừng vội tin vào vẻ bề ngoài, những gì người đó thể hiện mà đã vội đánh giá một người nào đó. Những người thường xuyên khoe khoang trước mặt người khác sự tài giỏi thường không phải người tốt. Người càng tài giỏi họ sẽ càng khiêm tốn, không tùy tiện thể hiện bản lĩnh cũng như điểm mạnh điểm yếu cho người khác thấy.
Điển cố liên quan
Câu nói này có liên quan đến một điển cố lịch sử, bắt nguồn vào thời Xuân thu Chiến quốc. Thời bấy giờ có một công tử nhà giàu, từ nhỏ đã có đam mê với đàn ca, lớn lên có thể sáng tác và chơi đàn không tồi tên Ôn Như Xuân. Khá tự tin vào khả năng của mình, anh ta thường xuyên đem tài nghệ của bản thân khoe khoang trước những người khác.
Thế rồi, một lần đến Sơn Tây du ngoạn, trước cổng một ngôi chùa lớn, Ôn Như Xuân đã bắt gặp một đạo sĩ đang ngồi thiền. Qua quan sát và hỏi chuyện, Ôn Như Xuân biết được người đạo sĩ có biết đôi chút về đàn, xuống núi tìm cao nhân bái sư học bàn. Sẵn bản tính khoe khoang, kiêu ngạo cho mình là tài giỏi, Ôn Như Xuân bèn mượn chiếc đàn cổ từ tay người tu sĩ và đàn. Bài thứ nhất rồi bài thứ hai, Ôn Như Xuân không thấy người đạo sĩ phản ứng gì bèn bực bội, nổi giận, mất kiên nhẫn thách thức vị đạo sĩ kia chơi đàn.
Thay vì khó chịu trước thái độ của Ôn Như Xuân, vị đạo sĩ kia vẫn giữ vẻ ôn nhu, chẳng nói chẳng rằng cầm cây đàn, vuốt nhẹ vài cái rồi bắt đầu chơi. Tiếng đàn vang lên, âm thanh như nước chảy réo rắt khi thì như gió chiều hiu hiu. Như Xuân mải nghe đến ngây ngất đến mức quên cả khúc nhạc đã hết từ lâu. Bừng tỉnh, Như Xuân biết được đã gặp được cao nhân, bèn quỳ xuống xin được bái sư.
Bởi vì nhũng người tu luyện đắc đạo thì đều được xưng là chân nhân. Căn cứ vào chính câu chuyện trên, người xưa đã đúc kết ra câu cổ ngữ "Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân". Từ đó khuyên mọi người không nên nhìn vẻ bề ngoài mà vội đánh giá người khác. Cao nhân chân chính không dễ dàng để lộ tài năng và thân phận của mình. Chỉ có những kẻ không có tài năng thực sự mới hay khoe khoang còn cho rằng mình có bản lĩnh lớn.
Một số câu nói dùng với Chân nhân bất lộ tướng
- Những người mà cả ngày chỉ biết chém gió chắc chắn không phải là người tài giỏi, chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân mà.
- Chân nhân bất lộ tướng, đừng bao giờ xem thường bất kỳ ai.
- Anh ta bình thường học hành không có gì nổi bật không ngờ bài kiểm tra nào cũng tốt đến vậy, quả thật chân nhân bất lộ tướng.
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, hiểu được ý nghĩa của câu "Chân nhân bất lộ tướng" bạn đọc sẽ có một cái nhìn mới về cách nhìn người. Đừng vội khoe khoang sự tài giỏi trước mặt người khác, biết đâu, người trước mặt bạn lại giỏi hơn bạn rất nhiều.