Debug là gì? Tác dụng của Debug trong lập trình

Debug là một thuật ngữ thường chỉ xuất hiện trong ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên nó lại là một công việc rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của sản phẩm. Bởi vậy mọi lập trình viên đều phải nắm rõ về Debug. Nếu chưa hiểu Debug là gì cũng như tác dụng của nó trong lập trình, bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Ý nghĩa và tác dụng của Debug

Theo nghĩa đen, Bug là những con sâu bọ, và đa phần các loài sâu bọ thường có hại. Trong tin học, thuật ngữ "Bug" bắt đầu được đặt ra khi người ta phát hiện một con sâu thật đã gây rối loạn mạch điện của máy tính điện tử số đầu tiên. Từ đó, "Bug" dùng để chỉ những lỗi kĩ thuật xảy ra trong việc lập trình khiến chương trình không thể thực thi được hoặc thực thi sai.

Và đương nhiên, có sâu thì phải diệt sâu, có lỗi thì phải sửa lỗi. Thuật ngữ "Debug" ám chỉ việc tìm kiếm, rà soát lỗi hay nguyên nhân gây ra lỗi để có hướng khắc phục. Đây là một kĩ thuật nền tảng trong lập trình, bởi nó không chỉ giúp loại bỏ lỗi mà qua đó, lập trình viên có thể hiểu rõ hơn sự thực thi của chương trình mình viết ra.

Debug

Các phương pháp Debug

Trong giới lập trình, ngoài việc dò lỗi một cách thủ công bằng mắt thường, một số kĩ thuật Debug sau được sử dụng phổ biến:

- Debugging Tool: Dùng công cụ để Debug. Những công cụ như vậy được gọi là Debugger. Thông thường chúng được tích hợp sẵn trong các IDE (phần mềm giúp các lập trình viên trong việc phát triển phần mềm). Ngoài ra còn có các Debugger phần cứng được thiết kế cho các hệ thống nhúng, bởi các thiết kế nhúng thường được tạo trên những platform riêng biệt, để phục vụ những ứng dụng riêng biệt nên cần được trang bị Debugger đặc thù.

- Printlining: Viết thêm vào mã nguồn những dòng lệnh để in ra những thông tin cần theo dõi trong quá trình thực thi. Cách này hơi phiền phức vì bạn phải thay đổi mã nguồn, đồng thời những dòng lệnh thêm vào đó cần phải được xoá đi sau khi Debug.

- Logging: Tạo một biểu mẫu để ghi lại những thông tin sau khi chương trình thực thi, rồi dựa trên những thông tin đó để tìm nguyên nhân lỗi. Phương pháp này thường được áp dụng trong môi trường thực tế, tức là khi ứng dụng của bạn đang được các khách hàng sử dụng, bởi bạn không thể thay đổi mã nguồn hay dùng những công cụ dò lỗi.

Đến đây bạn đã hiểu được Debug nghĩa là gì và tác dụng của nó trong lập trình rồi phải không? Là một lập trình viên, việc phải thực hiện Debug là điều không thể tránh. Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, Debug thường là công việc khiến bạn cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí là sợ phải làm, bởi những chương trình lớn có thể sinh ra rất nhiều lỗi phức tạp. Nhưng dù sao bạn vẫn phải đối mặt với nó, mày mò nghiền ngẫm về nó thì mới nhanh chóng nâng cao tay nghề. Chúc bạn sớm trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp!

Viết bình luận