Dĩ Hòa Vi Quý là gì?
Từ xưa đến nay, ông cha ta đã đúc kết vô vàn những kinh nghiệm tạo thành những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ngắn gọn để cho con cháu học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách của bản thân. Trong đó "Dĩ hòa vi quý" là câu tục ngữ có ý nghĩa răn dạy con người hướng tới một xã hội tốt đẹp. Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển, theo đó câu nói này cũng đang bị biến tướng đi. Hãy cùng ThuThuatPhanMem đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Dĩ hòa vi quý là gì?" thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
1. Dĩ hòa vi quý là gì?
Dĩ hòa vi quý là coi trọng sự yên ổn, coi trọng sự hòa hợp, hòa hợp trong giao tiếp, ứng xử với người khác. Nôm na có thể hiểu, dĩ hòa vi quý chính là lấy chữ "hòa" làm mục đích cao nhất, làm nguyên tắc đối nhân xử thế, làm thái độ sống, chuẩn mực sống.
Trong cuộc sống, giao tiếp là yếu tố bắt buộc, không thể thiếu. Thế nhưng, khi giao tiếp không thể tránh khỏi những bất đồng, quan điểm trái chiều dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Mỗi cá nhân đều có một quan điểm, một cách nghĩ của riêng mình, không ai giống ai. Trong hoàn cảnh này, nếu chúng ta ai ai cũng cương quyết, bảo thủ, giữ khư khư quan điểm cá nhân, không chịu nhường nhịn thì sẽ không có tiếng nói chung. Căng thẳng hơn sẽ có những lời lẽ làm tổn thương lẫn nhau, ảnh hưởng đến hòa khí đôi bên. Vậy nên, chúng ta cần phải giữ bình tĩnh, nhường nhịn, lắng nghe, thấu hiểu, cùng nhau ngồi lại và tìm cách giải quyết mâu thuẫn.
Dĩ hòa vi quý cũng tương tự như câu nói "Một điều nhịn, chín điều lành" hay "Thêm bạn, bớt thù". Dĩ hòa vi quý định hướng sống tốt đẹp đến con người. Răn người ta phải có thái độ sống, đối nhân xử thế hòa nhã, lịch thiệp, biết nhường nhịn, lắng nghe.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Không nằm ngoài ngoại lệ, câu tục ngữ trên cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều. Có người cho rằng Dĩ hòa vi quý là thái độ đúng đắn nhưng cũng có người cho rằng dĩ hòa vi quý chính là an phận, ba phải, gió chiều nào theo chiều đó. Vì không muốn mất hòa khí mà không dám chỉ ra lỗi sai của người khác.
Chúng ta phải phân định rõ ràng, "dĩ hòa vi quý" là sống hòa hợp, biết yêu thương, biết nhường nhịn nhưng không có nghĩa là sống thờ ơ, cả nể, không dám nêu lên quan điểm cá nhân, không dám lên tiếng, không dám phê bình, dung túng, xuề xòa trước những sai phạm. Giữa hòa nhã và cố xúy là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Hòa nhã để lợi ích tiếng hòa hợp với lợi ích chung chứ không phải hòa nhã là nhường nhịn để cái xấu, cái tiêu cực lấn lướt. Chan hòa, lấy hòa làm trọng, không phải tỏ ra thờ ơ, bao dung, che đậy cho cái xấu hoành hành. Hòa thuận cũng không có nghĩa là chịu đựng, cam chịu. Nếu lúc nào cũng giữ thái độ trung lập, không muốn mất lòng ai sẽ khiến bạn dần đánh mất đi bản thân, trở nên mờ nhạt trong mắt nhưng người xung quanh.
Như vậy, trong mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh, chúng ta cần vận dụng, ứng biến một cách linh hoạt, cái gì đáng bị lên án vẫn phải lên án, không nên xuề xòa bỏ ngoài tai những sai phạm.
2. Làm sao để sống Dĩ hòa vi quý?
Để có thể có một cuộc sống Dĩ hòa vi quý, trước tiên bạn nên học cách lắng nghe, chấp nhận những ý kiến đúng, bổ sung thêm những ý kiến trái chiều của bản thân, những điều bạn cho là không hợp lý. Không bảo thủ, giữ vững quan điểm cá nhân của mình là tốt nhưng cũng không nên cả nể, sợ mất lòng người khác mà trở thành người ba phải, không có chính kiến.
Cuộc sống mà, dù bản thân có hiền hòa ra sao cũng không thể trách được những lúc bất đồng. Bạn không cần quá gay gắt, dữ dội mà hãy cố gắng nhường nhịn, lắng nghe và chia sẻ. Hãy nhớ, nóng giận không giải quyết được điều gì cả, nó ảnh hưởng đến quan hệ giữa bạn với những người xung quanh và ảnh hưởng đến cả sức khỏe nữa.
Trên đây là những hiểu biết về ý nghĩa câu thành ngữ "Dĩ hòa vi quý", hy vọng qua những chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn, có cái nhìn đúng đắn hơn về dĩ hòa vi quý.