Hướng dẫn chơi "Nu na nu nống"
Nu na nu nống, trò chơi có lẽ đã trở lên quá quen thuộc đối với các cháu học lớp mầm. Một trò chơi đơn giản nhưng lại giúp cho các bé phát triển tư duy, trí não đồng thời giúp trẻ thư giãn sau những tiết học căng thẳng. Cùng ThuThuatPhanMem tìm hiểu về cách chơi trò chơi dân gian "Nu na nu nống".
Mục lục nội dung
Theo nhiều nghiên cứu, trò chơi này được ra đời từ trước thời Hán thuộc. Trải qua hàng ngàn năm vẫn được tồn tại và lưu truyền đến tận ngày nay. Cùng xem cách chơi trò chơi này nhé.
1. Chuẩn bị
- Mặc dù trò chơi không giới hạn về số lượng người chơi, càng đông càng vui thế nhưng trong phạm vi các cháu tuổi mầm, chỉ nên chơi thành từng nhóm từ 6 – 10 người.
- Nên chơi trong các khu vực sạch sẽ, rộng rãi như trong phòng học, sân chơi, … Nếu số lượng người chơi không nhiều, không nhất thiết phải cần không gian rộng.
- Trước khi chơi, giáo viên cần cho trẻ học thuộc bài đồng dao để trẻ không bị bỡ ngỡ khi chơi.
2. Cách chơi
Những người tham gia trò chơi sẽ ngồi xuống, xếp thành một hàng ngang cạnh nhau, hai chân duỗi thẳng, cơ thể thả lỏng ra, tay cầm tay, nhịp tay vào đùi bắt đầu đọc bài đồng dao:
"Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở hội thi đua
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Thì vào đánh trống."
Mỗi từ trong bài đồng dao vang lên, tay sẽ được đập nhẹ vào một chân của người chơi, tính từ chân đầu tiên của người đầu hàng. Lần lượt như thế cho đến người cuối cùng sau đó sẽ quay ngược lại. Khi từ "trống" vang lên, chân của ai gặp từ "trống" sẽ nhanh chóng co lại.
Ai co đủ hai chân trước sẽ là người thắng cuộc, ai co đủ hai chân tiếp theo sẽ về nhì, … Lần lượt như vậy, đến khi chỉ còn người cuối cùng còn một chân chưa co sẽ gọi là "thối chân" và là người thua cuộc. Trò chơi lại được bắt đầu lại từ đầu.
3. Một số dị bản bài đồng dao Nu na nu nống
Trải qua hàng ngàn năm truyền miệng cũng như do sự khác nhau giữa các vùng miền dẫn đến có nhiều phiên bản. Mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau thế nhưng tất cả đều bắt đầu bằng cụm từ "nu na nu nống".
Bài số 1
"Nu na nu nống
Cái bống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi Phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Bà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he chân rút."
Bài số 2
"Trồng đậu trồng cà
Hoa hòe hoa khế
Khế ngọt khế chua
Cột đình cột chùa
Hai tay ông cột
Cây cam cây quýt
Cây mít cây hồng
Cây đa cây nhãn
Ai có chân có tay thì rụt."
4. Ý nghĩa của trò chơi Nu na nu nống
Trò chơi giúp trẻ vận động nhẹ nhàng cánh tay, khả năng quan sát để ý.
Giúp trẻ tăng khả năng ghi nhớ bằng cách yêu cầu trẻ học thuộc bài đồng dao. Trong lúc đọc sẽ giúp trẻ rèn khả năng phát âm rõ ràng, rành mạnh, nhấn nhá theo nhịp điệu.
Trên đây là bài viết hướng dẫn chơi nu na nu nống. Chúc các bậc phụ huynh cũng như các cô giáo có những phút giây vui chơi học tập vui vẻ bên các bé.