Neet là gì?
Neet là gì? Tại sao Neet đang trở thành một vấn đề xã hội hết sức lo ngại ở cả những nước phát triển và đang phát triển? Những ai thì được gọi là Neet? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
1. Neet là gì?
NEET là từ viết tắt của cụm từ "Not in Education, Employment or Training" dịch sang tiếng việt có nghĩa là "Không học hành, không việc làm, không đào tạo".
Cụm từ này dùng để ám chỉ những người không quan tâm, chú trọng đến học vấn, không có việc làm và cũng chẳng tham gia các khóa học đào tạo, kỹ năng nào. Có thể nói họ là những con người lông bông, ăn bám xã hội, thường được gia đình bao bọc nên không lo chết đói.
Đây là một thuật ngữ được xuất hiện lần đầu tiên tại Anh vào cuối thập niên 90. Tuy nhiên, hiện nay, nó không còn chỉ thuộc về riêng nước Anh mà còn xuất hiện hiện nhiều ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Thông thường những người này thường ở độ tuổi 15-30 tuổi và đang có nguy cơ ngày một tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do lười biếng, quen ỷ lại người khác, được người khác giúp đỡ hay tình trạng kinh tế đang ở giai đoạn xấu như thất nghiệp và phổ biến nhất có lẽ ở sinh viên mới tốt nghiệp hay đang thất nghiệp chưa tìm được việc làm ngay. Do đó, họ thường sống nhờ vào các chương trình phúc lợi, hỗ trợ thất nghiệp hoặc trợ cấp từ cha mẹ để sống qua ngày. Chưa dừng lại ở đó, cuộc sống càng ngày càng tiện nghi, phát triển hơn, mạng Internet lúc nào cũng thường trực cùng với các thiết bị công nghệ hiện đại, cùng với những trợ cấp ở trên nên họ không quan tâm đến việc không có tiền để sống.
2. Thực trạng của Neet hiện nay
Xuất hiện lần đầu tiên tại Anh Quốc nhưng lại được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản. Người Nhật luôn có tư tưởng sẽ nhanh chóng kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp hoặc sẽ đi vào các ngành nghề truyền thống. Thế nhưng, với các Neet, họ lại đi ngược với tư tưởng đó, họ không kiếm việc làm ngay sau tốt nghiệp mà phụ thuộc vào bố mẹ.
Để giúp đỡ giới trẻ thoát khỏi tình trạng này, hàng loạt bộ truyện tranh manga, bộ phim anime nói về tình trạng này được dựng lên. Cách làm này đã và đang mang lại được nhiều phản hồi tích cực. Bởi nội dung của những bộ phim nay chủ yếu phản chiếu lại hình ảnh của chính họ và các nhân vậ trong đó có thể thoát ra ngoài thì tại sao mình lại không thể. Một ví dụ điển hình về Neet là bộ phim Welcome to the NHK, tựa việt là Chào mừng đến với NHK mà bạn có thể tham khảo.
Không chỉ xuất hiện ở Nhật Bản, Trung Quốc là một quốc gia cũng có số lượng NEET đông đảo. Phần lớn các thành viên NEET ở Trung Quốc là những người con sinh ra trong giai đoạn đầu của chính sách sinh đẻ một con của nước này. Lớn lên trong giai đoạn đất nước phát triển, là con một nên những người này được bố mẹ ông bà hết sức cưng chiều, thậm chí khi con cái trưởng thành họ vẫn không ngừng chu cấp cho chúng. Tuy nhiên, cuộc sống quá đầy đủ cộng với sự bao bọc của gia đình khiến không ít người mất đi ý chí phấn đấu, dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình.
Hàn Quốc là một quốc gia cũng không tránh khỏi tình trạng Neet. Neet đang tăng dần theo thời gian, trở thành vấn đề hết sức quan ngại cho gia đình và xã hội.
Một minh chứng điển hình ở Hàn Quốc phải kể đến một người đàn ông đến từ Hàn Quốc với độ tuổi 34, tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc nhưng lại sống dựa dẫm vào gia đình anh trai trong nhiều năm trời. Nhiều người cho rằng với trình độ học vấn đó, anh ta nhanh chóng có thể kiếm được công việc ổn định, có được sự nghiệp rạng rỡ nhưng anh ta lại rơi vào tình trạng thất nghiệp. Lý do chẳng có nơi nào có thể "chịu" được anh. Từ đó sinh ra chán nản vì đường công danh khởi đầu không thuận lợi, do đó quyết định ở lại gia đình anh trai vì bố mẹ đã qua đời. Anh chia sẻ rằng "Lúc đầu tôi còn cảm thấy xấu hổ vì phải sống nhờ anh trai và chẳng dám đối diện với chị dâu và các cháu. Nhưng lâu dần cũng thành quen, tôi cảm thấy đỡ xấu hổ hơn". Như vậy, có thể nói sự chu cấp từ gia đình khiến anh hình thành thói quen, không thiếu thốn do đó ngại ra xã hội để đi làm.
3. Hậu quả do Neet mang lại
Đối với các nước đang phát triển, khi họ không đi làm thì vẫn được gia đình chu cấp cho đầy đủ khiến họ không phải lo lắng cho cuộc sống hiện tại. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là, khi gia đình xảy ra biến cố, không còn là chỗ dựa thì họ sẽ ra sao? Không có kiến thức xã hội, kinh nghiệm, không có khả năng giao tiếp, làm việc thì họ sẽ phải xoay sở ra sao? Hơn nữa, ở quá lâu trong phòng, không tiếp xúc với ai còn dẫn đến chứng tự kỉ. Chưa kể tầng lớp NEET lại phần lớn xảy ra ở giới trẻ, những người ở độ tuổi lao động lại không lao động, phần lớn phụ thuộc vào người già thì sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế trì trệ, lao động bị già hóa, mất cân bằng.
Còn ở Việt Nam, một đất nước nông nghiệp còn nghèo nàn và lạc hậu, việc không cần làm mà vẫn có ăn, vẫn có một cuộc sống đầy đủ không cần lo lắng về hiện tại thì chỉ chiếm một con số rất nhỏ. Với những người không có tiền bạc để chi trả cho cuộc sống hiện tại, chi trả cho việc chơi game, nhu cầu cuộc sống lâu dần sẽ dẫn tới các tệ nạn xã hội, từ đó có rất nhiều vụ án thương tâm đã xả ra.
Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, gia đình và xã hội nên có những biện pháp nhất định để loại bỏ những sợi dây xích đang mắc trên những người mang tình trạng này. Xã hội nên mở lòng hơn với những người vừa mới ra trường. Gia đình không nên quá nuông chiều con cái, nên để chúng tự lập từ nhỏ. Ngay từ khi còn nhỏ nên định hướng cho con trẻ một tương lai rõ ràng, công việc ra sao thay vì quá tập trung vào điểm số. Nhiều người sau này dù học xong đại học nhưng cũng không thể xin được việc vì họ chỉ được dạy là "tương lai tốt đẹp chỉ đến nếu học đại học. Còn sau khi ra trường làm gì thì không ai chỉ bảo". Mục đích của những năm tháng ăn học không phải để đi thi mà là có sự chuẩn bị cho một công việc tốt hơn.
Trên đây là những chia sẻ về Neet mà ThuThuatPhanMem muốn gửi đến bạn. Ở đâu cũng có Neet, do đó bạn không nên kỳ thị những người này mà hãy giúp đỡ họ thoát khỏi tình trạng này. Chúc các bạn có một ngày làm việc, học tập hiệu quả.