Nhiệt độ Card màn hình (GPU) khi hoạt động bình thường là bao nhiêu
Mục lục nội dung
Card màn hình (GPU) ngày nay càng mạnh nên chúng sẽ có công suất thiết kế nhiệt (TDP) cao hơn và đồng nghĩa với việc nóng hơn. Biết được nhiệt độ hoạt động cho phép của Card màn hình sẽ giúp bạn đảm bảo được hiệu suất của máy tính ở mức tốt nhất.
1. Nhiệt độ Card màn hình khi hoạt động
Nhiệt độ của Card màn hình được sinh ra trong quá trình chuyển hóa năng lượng và chúng nóng hay không lại phụ thuộc vào hệ thống tản nhiệt được trang bị đi kèm. Tuy nhiên, mỗi hãng lại làm các hệ thống tản nhiệt khác nhau để phục vụ cho từng phân khúc riêng biệt của thị trường. Ví dụ: Các sản phẩm đắt tiền sẽ luôn có hệ thống tản nhiệt khủng nên chúng sẽ mát hơn các sản phẩm rẻ tiền (xét trong cùng một hãng sản xuất).
Song song với việc trang bị tản nhiệt, một mã GPU cũng có thể có nhiều mức nhiệt độ khác nhau do các nhà sản xuất AIB can thiệp vào vấn đề tốc độ xung nhịp của GPU. Các bạn có thể hiểu như sau: Nvidia – AMD sẽ cung cấp các bo mạch cơ bản chạy với tốc độ xung nhịp đề xuất của hãng, tuy nhiên khi đến tay các nhà AIB (ASUS, MSI, Gigabyte, Colorful, Galax…) thì họ sẽ chỉnh tốc độ xung nhịp cao hơn đề xuất của hãng để cạnh tranh giữa các nhà AIB. Việc tinh chỉnh tốc độ xung nhịp giữa các sản phẩm cũng tạo ra sự chênh lệch về nhiệt độ. Ví dụ: Card màn hình MSI RTX 3090 SUPRIM (cao cấp – xung nhịp 1875 MHz) có tốc độ xung nhịp cao nhất nên chúng sẽ nóng hơn MSI RTX 3090 Gaming Trio (tầm trung – xung nhịp 1785 MHz) và MSI RTX 3090 Ventus OC (giá rẻ - xung nhịp 1695 MHz).
Những thông tin trên đã cho chúng ta thấy được một điều là nhiệt độ của Card màn hình (GPU) trên máy tính không giống nhau. Tuy nhiên nếu chúng ta đặt lên bảng so sánh thì nhiệt độ chỉ dao động chênh lệch trong khoảng từ 5-15 độ C, đây là một sự chênh lệch không quá cao giữa các phân khúc sản phẩm của các hãng. Vậy nên, chúng ta vẫn có được thông số nhiệt độ của từng sản phẩm trong quá trình sử dụng.
Nhiệt độ bình thường của card AMD
Đối với các sản phẩm của AMD (tính từ RDNA – 7/12/14nm TSMC) thì hãng đã cải thiện nhiệt độ một cách thần kỳ và không ai ngờ đến mức nhiệt độ đó của AMD. Dòng card màn hình của AMD nay đã mát hơn rất nhiều và bảng nhiệt độ cụ thể của chúng như sau:
Mức độ hoạt động | Nhiệt độ |
<50% hiệu suất |
Từ 0 tới 55 °C |
<80% hiệu suất |
Từ 55 °C tới 70 °C |
100% hiệu suất |
Từ 70 °C tới 90 °C |
Nhiệt độ bình thường của card Nvidia
Nvidia luôn được biết đến là mát hơn so với các đối thủ nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong mảng sản xuất Card đồ họa. Nhìn chung các sản phẩm của Nvidia hiện nay vẫn được nhiều người tin dùng và lựa chọn hơn so với AMD. Nhiệt độ của dòng card màn hình Nvidia cụ thể như sau:
Mức độ hoạt động | Nhiệt độ |
<50% hiệu suất |
Từ 0 tới 50 °C |
<80% hiệu suất |
Từ 50 °C tới 65 °C |
100% hiệu suất |
Từ 65 °C tới 90 °C |
2. Mức nhiệt gây ảnh hưởng tới Card màn hình
Bất kỳ linh kiện gì trên máy tính đều cũng có thể bị đe dọa bởi nhiệt độ và mức nhiệt gây ảnh hướng tới Card màn hình là > 100°C. Tuy nhiên các bạn đừng lo lắng về vấn đề này vì các hãng sản xuất ngày nay đã tích hợp rất nhiều công nghệ bảo vệ bên trong sản phẩm. Cụ thể là khi nhiệt độ của Card màn hình vượt ngưỡng thì chúng sẽ tự động tắt cả máy tính để bảo vệ cho GPU và các linh kiện xung quanh. Tính năng tự tắt khi nhiệt độ quá nóng xuất hiện trên hầu hết các sản phẩm từ giá rẻ cho đến cao cấp nên các bạn hãy yên tâm trong quá trình sử dụng.
3. Xử lý vấn đề Card màn hình quá nhiệt
Trong trường hợp Card màn hình của các bạn luôn luôn trong tình trạng nóng, quá nhiệt thì chúng ta có rất nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này, dưới đây là những cách xử lý cơ bản nhất:
- Vệ sinh bụi bẩn trên Card màn hình
- Thay thế keo tản nhiệt cho GPU
- Lắp thêm quạt đối lưu cho vỏ máy
- Sử dụng vỏ máy to hơn, thoáng hơn, nhiều vị trí lắp quạt hơn
Trong bài viết này, Thủ thuật phần mềm đã chia sẻ đến các bạn rất nhiều thông tin liên quan đến nhiệt độ của Card màn hình (GPU). Chúc các bạn một ngày vui vẻ!