Những hình thức tấn công mạng phổ biến nhằm vào người cao tuổi
Việc tội phạm mạng nhắm đến người cao tuổi là một vấn đề lớn trên toàn thế giới. Có nhiều lí do để nhóm đối tượng này dễ trở thành nạn nhân của những hành vi lừa đảo trên mạng. Đa phần những người cao tuổi tiếp cận thời đại công nghệ chậm hơn giới trẻ, nên thường chỉ giữ những thói quen dễ dàng như không muốn đặt mật khẩu phức tạp, không quá coi trọng việc bảo mật thông tin. Đồng thời, họ cũng là thế hệ thường đối xử lịch sự với người lạ - những kẻ có thể lợi dụng điều đó để đánh lừa nạn nhân của mình. Tuy nhiên, dù kiến thức công nghệ có thể còn hạn chế, nhưng những người cao tuổi vẫn có thể tự bảo vệ mình trước một số hình thức tấn công phổ biến trên không gian mạng dưới đây.
1. Tấn công lừa đảo
Hình thức tấn công mạng này thường diễn ra bằng cách giả mạo một đối tượng, thực thể đáng tin cậy trong giao tiếp điện tử, ví dụ như giả mạo một email, trang web (của ngân hàng, công ty, cơ quan nhà nước, v.v.) rồi yêu cầu người dùng thực hiện một hành động nào đó như khai báo thông tin cá nhân, tải về một tệp tin, hoặc nhấp vào liên kết, …
Cảnh báo của trình duyệt khi bạn truy cập một trang web lừa đảo
Mẹo: Không phân biệt tuổi tác, ai cũng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa an ninh cơ bản để tự bảo vệ mình trước nạn lừa đảo. Chúng bao gồm việc cập nhật hệ điều hành cũng như các ứng dụng khác, và thay đổi máy chủ DNS nhằm ngăn chặn việc điều hướng sai URL.
Một vài mẹo khác:
- Nếu quá nhiều cửa sổ trình duyệt đang hoạt động mà không phải do bạn mở ra, hãy nhấn tổ hợp phím Alt + F4 để tắt mọi thứ đi.
- Luôn giữ một thói quen là xóa bộ nhớ cache của trình duyệt một cách thường xuyên. Nếu sử dụng Google Chrome, nhấn tổ hợp phím Ctrl + H.
- Thiết lập mật khẩu mạnh. Đây là nguyên tắc bắt buộc. Nếu bạn không thể nhớ chúng, hãy ghi vào sổ tay hoặc lưu chúng bằng các công cụ quản lí mật khẩu.
2. Tấn công hành vi
Dễ hiểu cho việc người cao tuổi thường là đối tượng nhắm đến của một số loại tấn công hành vi. Chúng có thể là những lời hứa hẹn, dụ dỗ như mua thuốc chống lão hoá, rụng tóc hay một số mặt hàng khác; ủng hộ từ thiện và góp vốn đầu tư; hay gần gũi hơn là giả mạo lời yêu cầu trợ giúp của một người quen.
Mẹo: Có thể ngăn chặn nạn lừa đảo hành vi bằng cách thay đổi các thiết lập bảo mật trong Windows Settings. Bạn cũng nên bật cài đặt Windows Defender Security Center để ngăn chặn tình trạng điều hướng sai đến các trang web lừa đảo. Bên cạnh đó, không bao giờ tải về hay mở các tập tin đính kèm trong email từ những người bạn không tin tưởng. Không trả lời bất kì cuộc gọi điện thoại hay trò chuyện nào có dấu hiệu khả nghi.
Bật Real-time protection và Firewall để tự bảo vệ trước các hành vi tấn công mạng
3. Gian lận với khách hàng
Số lượng các website thương mại trực tuyến giả mạo đang ngày càng gia tăng, và người cao tuổi thường dễ bị lừa gạt bởi khả năng xác thực thông tin còn thấp. Khi họ đặt hàng trực tuyến, có khả năng là sản phẩm sẽ không được phân phối, hoặc sản phẩm khi nhận hàng không có chất lượng đúng như quảng cáo, hay cũng có thể bị tính thêm một khoản phí ẩn. Điều quan trọng là phải xác thực xem website được đề cập có phải là chính hãng hay không.
Mẹo: Kiểm tra các thông tin như tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, mã số doanh nghiệp, giấy phép đăng kí, … trên website mua hàng.
4. Lấy cắp danh tính
Đa số các vụ lấy cắp danh tính thành công đều xuất phát từ việc mật khẩu hay mã PIN của người dùng quá yếu. Với người cao tuổi, họ thường chỉ đặt mật khẩu bằng những dãy số dễ nhớ như 123456 hay ngày sinh nhật của người trong gia đình, đồng thời áp dụng mật khẩu đó cho tất cả các tài khoản đang sở hữu, như Google, Facebook hay tài khoản ngân hàng, …
Tránh đặt những mật khẩu yếu, dễ bị tin tặc tìm ra như trên
Lời khuyên: Tất cả mọi người, từ người lớn đến trẻ tuổi, đều nên tránh chia sẻ những thông tin cá nhân nhạy cảm như số thẻ ngân hàng, mật khẩu, ngày sinh và các thông tin khác với bất kỳ ai lạ mặt. Luôn luôn nghi ngờ tất cả những người tự xưng là nhân viên cơ quan nhà nước, công ty kiểm toán thuế, ngân hàng, nhà mạng hay những cơ quan khác. Sử dụng mật khẩu mạnh nhất có thể nhưng vẫn đủ để dễ nhớ, đồng thời không nên dùng chung một mật khẩu cho tất cả các loại tài khoản.