Ổ NVMe là gì? So sánh ổ NVMe với ổ SSD
Nâng cấp cho máy tính là một nhu cầu tất yếu cho những ai cần sử dụng máy tính vào những công việc đòi hỏi hiệu năng cao. Tuy nhiên, nhiều người chỉ chú trọng nâng cấp các bộ phận như CPU, RAM, card đồ hoạ mà quên mất ổ cứng cũng là một thành phần rất quan trọng ảnh hưởng đến hiệu năng máy. Bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn về ổ NVMe - loại ổ cứng mới và tốt nhất hiện nay, đồng thời so sánh NVMe với ổ SSD thông thường.
Mục lục nội dung
Ổ NVMe là gì?
NVMe (viết tắt của Non-Volatile Memory Express) là một giao diện lưu trữ được giới thiệu vào năm 2013. "Non-Volatile" có nghĩa là bộ nhớ không bị xóa khi máy tính của bạn khởi động lại, trong khi "Express" đề cập đến việc dữ liệu được truyền qua giao diện PCI Express (PCIe) trên bo mạch chủ của máy tính. Điều này mang lại cho ổ đĩa một kết nối trực tiếp hơn với bo mạch chủ vì dữ liệu không phải nhảy qua bộ điều khiển SATA.
Ổ đĩa NVMe nhanh hơn nhiều lần so với ổ đĩa SATA đã tồn tại nhiều năm qua. PCIe 3.0, thế hệ hiện tại của chuẩn PCI Express, có tốc độ truyền tối đa 985 megabyte mỗi giây (Mbps) trên mỗi làn. Các ổ NVMe có thể sử dụng 4 làn PCIe, nghĩa là tốc độ tối đa theo lý thuyết là 3,9 Gbps (3940 Mbps). Trong khi đó, một trong những ổ SSD SATA nhanh nhất - Samsung 860 Pro - có tốc độ đọc và ghi chỉ vào khoảng 560 Mbps.
Ổ đĩa NVMe có một vài mẫu hình thức khác nhau. Phổ biến nhất trong số này là thanh M.2. Chúng rộng 22 mm và có thể dài 30, 42, 60, 80 hoặc 100 mm. Những thanh này đủ mỏng để nằm phẳng trên bo mạch chủ, vì vậy chúng hoàn hảo cho những máy tính và laptop có kích thước nhỏ. Samsung 970 EVO là một ví dụ về ổ đĩa NVMe M.2.
Tiếp theo là hình thức PCIe-3.0. Loại này tương tự như GPU và các phụ kiện khác ở chỗ nó cắm vào bất kỳ khe cắm PCIe-3.0 nào trên bo mạch chủ, phù hợp với các trường hợp case ATX và bo mạch chủ full-sized nhưng bị hạn chế trên các máy tính nhỏ và không thể nằm trong máy tính xách tay. Ví dụ tiêu biểu về ổ NVMe PCIe-3.0 là Intel 750 SSD.
So sánh ổ NVMe với ổ SSD SATA
SSD về cơ bản là bộ nhớ tốc độ cao tương tự RAM nhưng vì dữ liệu phải truyền thông qua SATA, tốc độ SSD cũng sẽ bị hạn chế. Bằng cách truy cập vào giao diện PCIe thay vì bus SATA truyền thống, các ổ NVMe có thể chạy ở tốc độ ngang với bộ nhớ flash. Công nghệ NVMe cho phép SSD giải phóng tiềm năng thực sự của chúng: cực đại hoá tốc độ đọc / ghi.
Các bo mạch chủ hiện đại thường sử dụng SATA III, tốc độ tối đa là 600 MB/s (hoặc 300 MB/s cho SATA II). Thông qua kết nối đó, hầu hết các ổ SSD sẽ cung cấp tốc độ đọc / ghi trong khoảng lân cận 530 / 500 MB/s. Và để tiện so sánh, một ổ đĩa HDD SATA 7200 RPM quản lý khoảng 100 MB/s tùy thuộc vào tuổi thọ, điều kiện và mức độ phân mảnh. Mặt khác, các ổ đĩa NVMe cung cấp tốc độ ghi cao tới 3500 MB/s, như vậy gấp khoảng 7 lần so với SSD SATA và 35 lần so với ổ HDD!
Vậy lựa chọn nào là tốt nhất cho bạn? Với những lợi ích vượt trội về tốc độ, NVMe chắc chắn đáng để cân nhắc nếu bạn cảm thấy giá thành của nó vẫn ở mức phù hợp với ngân sách của mình, đặc biệt nếu ứng dụng của bạn cần sử dụng nhiều hiệu năng ổ cứng hoặc yêu cầu đọc / ghi ổ cứng liên tục. Nhưng nếu chỉ cần thực hiện những công việc văn phòng hoặc chơi game nhẹ nhàng, một SSD SATA chắc chắn vẫn hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng.
Qua bài viết trên, mình đã giới thiệu cho các bạn biết ổ NVMe là gì, cũng như những khác biệt của NVMe so với SSD thông thường. Hi vọng những thông tin vừa chia sẻ ở trên sẽ hữu ích với các bạn, đồng thời chúc các bạn lựa chọn được loại ổ cứng phù hợp cho máy tính của mình!