Phân biệt sự khác nhau giữa Facebook Profile, Page và Group
Facebook được biết đến là mạng xã hội nơi mọi người có thể chia sẻ mọi thứ trên mạng. Một trong những lợi ích khác của Facebook đó là tạo ra những trang (Pages) và nhóm (Groups) cho phép một nhóm người dùng cùng yêu thích một chủ đề nào đó có thể tham gia và thảo luận cùng các thành viên khác.
1. Facebook Profile là gì?
Facebook Profile hay còn được gọi là trang Facebook cá nhân – là nơi mỗi cá nhân sử dụng tài khoản Facebook với các mục đích cá nhân như đăng tải thông tin của bản thân, đăng ảnh, cập nhật trạng thái trên trang cá nhân của họ… Facebook Profile này có thể kết bạn với các Facebook Profile khác và họ có thể xem hồ sơ của nhau, trao đổi thông tin bằng cách gửi tin nhắn thông qua Facebook Messenger, tương tác với các trang cá nhân khác như (Like, bình luận, chia sẻ).
Tối đa một Profile có thể kết bạn hoặc theo dõi với 5000 profile khác và chúng ta có thể tham gia các Pages, Group khác nhau trên Facebook.
2. Facebook Pages là gì?
Lớn hơn Facebook Profile đó là Facebook Pages. Facebook pages được tạo từ Facebook cá nhân và người dùng khác chỉ có thể tương tác bằng cách bấm Thích, Theo dõi, Chia sẻ hoặc bình luận mà không thể kết bạn với Pages được. Pages có thể nói về một cá nhân hoặc một cộng đồng trên Facebook và không giới hạn lượt thích từ người dùng khác.
Pages trên Facebook rất thích hợp cho mục đích quảng cáo, thương mại bởi những tính năng độc đáo cùng khả năng chạy quảng cáo được cung cấp bởi Facebook. Facebook Page không yêu cầu người dùng phải kết bạn hay tham gia mới có thể xem được nội dung từ Pages đó mà chỉ cần truy cập vào Pages đó là có thể xem nội dung.
3. Facebook Groups là gì?
Facebook Group hay còn gọi là nhóm - hoạt động giống như một cộng đồng trực tuyến hay diễn đàn. Facebook Group bao gồm các Facebook Profile khác cùng tham gia và thảo luận, chia sẻ tại nhóm đó. Facebook group thường hoạt động vì mục đích phi thương mại với nhu cầu trao đổi, giao lưu, học hỏi kiến thức. Nhóm (Groups) được chia làm hai loại là nhóm mở và nhóm kín. Nhóm mở cho phép người dùng không tham gia nhóm có thể thấy được nội dung, hoạt động của các thành viên bên trong nhóm đó còn nhóm kín chỉ cho phép thành viên đã tham gia nhóm mới có thể xem được nội dung của nhóm.
Một nhóm (Groups) trên Facebook thường hoạt động theo luật của nhóm với người đứng đầu là Quản trị viên. Tùy mức độ khắt khe mà nhóm có thể đưa ra những nội quy khác yêu cầu thành viên nhóm phải tuân thủ và đưa ra những câu hỏi yêu cầu người tham gia nhóm phải trả lời được mới được phép tham gia nhóm.
Tùy vào nhu cầu sử dụng mà người dùng có thể chọn sử dụng Facebook Profile, Page, Group. Với những đặc điểm, ưu thế của ba loại được trình bày trong bài viết, hi vọng bạn đọc có thể lựa chọn cho mình cách sử dụng Facebook thông minh và hiệu quả nhất. Chúc các bạn thành công!