Pin CMOS là gì? Những điều cần biết về pin CMOS
Mục lục nội dung
Pin CMOS không còn xa lạ gì với những người thường tìm hiểu về máy tính cũng như các linh kiện điện tử cao cấp. Nếu như bạn chưa biết pin CMOS là gì, hãy cùng Thủ Thuật Phần Mềm tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
I. Pin CMOS là gì?
Pin CMOS là tên gọi của một bộ phận bên trong các bo mạch chủ máy tính (Mainboard). Pin CMOS có nhiệm vụ cài đặt cho các phần cứng cơ bản tối thiểu trên bo mạch chủ như: BIOS, ngày giờ, cấu hình khác từ nhà sản xuất bo mạch chủ. Khi máy tính tắt nguồn, Pin CMOS sẽ tiến hành cung cấp năng lượng cho chip bo mạch để tiếp tục giữ lại cài đặt được lưu trữ phục vụ cho BIOS, ngày giờ, cấu hình khác.
II. Chức năng của Pin CMOS trong bo mạch chủ
Pin CMOS là một linh kiện nhỏ trên bo mạch chủ nhưng lại vô cùng quan trọng, có nhiệm vụ to lớn trong việc vận hành ổn định máy tính. Nhiệm vụ chính của Pin CMOS chính là hoàn thành các tác vụ cơ bản như: Kích hoạt bàn phím, tải ổ đĩa hệ thống, cài đặt đồng hồ hệ thống trước khi tải hệ điều hành (kích hoạt máy tính khởi động). Pin CMOS sẽ cung cấp năng lượng cho Chip xử lý các tác vụ cơ bản trước khi nhận được nguồn cấp năng lượng chính từ PSU.
Một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng của Pin CMOS đó chính là đảm bảo đồng hồ luôn hoạt động theo thời gian thực và ghi nhớ ngày giờ tự động.
III. Những điều cần biết về Pin CMOS
Đề hiểu rõ hơn về Pin CMOS, chúng ta phải tìm hiểu tận gốc về loại Pin này và các ví dụ cụ thể mới có thể biết được chúng có tầm quan trọng như nào trong các hệ thống máy tính.
1. Tại sao gọi là Pin CMOS
Nếu như tìm hiểu sâu, bạn sẽ thấy Pin CMOS chả liên quan gì đến tiêu chuẩn Pin hay tên gọi của một loại Pin. Thực tế, tên gọi Pin CMOS bắt nguồn từ việc “Sử dụng viên pin cung cấp năng lượng cho chip CMOS” trên bo mạch chủ. Như vậy, gọi là Pin CMOS vì viên Pin này cung cấp năng lượng cho Chip CMOS chứ không phải là tiêu chuẩn của một loại Pin.
2. Ý nghĩa của Pin CMOS
Đảm nhiệm việc lưu trữ thiết lập BIOS
Khi bạn thực hiện các thay đổi khi cấu hình BIOS trên bo mạch chủ, các cài đặt do bạn thiết lập sẽ không được lưu trữ trực tiếp vào Chip BIOS. Thay vào đó, chúng sẽ được lưu trữ trên một chip nhớ đặc biệt có tên gọi là “CMOS”. Như vậy, công việc chính của Pin CMOS đó chính là hỗ trợ cho chip CMOS lưu trữ liên tục cấu hình BIOS. Chắc hẳn bây giờ bạn đã hiểu vì sao mọi người thường Reset BIOS bằng cách tháo Pin CMOS rồi đúng không? Khi Pin CMOS bị tháo, đồng nghĩa với chip CMOS mất nguồn điện và mọi cấu hình BIOS trước đó cũng bị xóa và trở về BIOS mặc định.
Lưu trữ dữ liệu ngày giờ, thông tin ổ đĩa, cấu hình BIOS, quy trình khởi động máy tính
Chip CMOS thường có dung lượng lưu trữ dữ liệu rất nhỏ, thường là 256 byte và từng đó chỉ đủ cho việc lưu trữ cho: Thông tin ổ đĩa cài đặt, cấu hình BIOS, ngày giờ hiện tại của hệ thống và trình tự khởi động máy tính của bạn. Các công việc trên đều cần tới chip CMOS quản lý, nếu Pin CMOS hết, bạn sẽ thấy máy tính của mình thường xuyên gặp lỗi khi khởi động.
Vị trí của Chip CMOS và Pin CMOS
Trước đây, Chip CMOS được thiết kế độc lập và nằm riêng biệt trên bo mạch chủ. Thế nhưng khi công nghệ phát triển, Chip CMOS đã dần được tích hợp với RTC (real-time clock) nằm ở cầu nam trên bo mạch chủ.
Đối với Pin CMOS, không có vị trí cụ thể nào trên bo mạch. Vị trí Pin CMOS phụ thuộc vào kỹ sư thiết kế bo mạch, họ muốn đặt ở đâu trên bo mạch cũng được miễn là vị trí đó còn trống và phù hợp. Tuy nhiên, 98% các bo mạch chủ hiện nay có chip CMOS nằm phía trước bo mạch, có 1% bo mạch chủ thiết kế Pin CMOS nằm phía sau bo mạch và 1% bo mạch chủ có thiết kế Pin CMOS rời kết nối bằng dây tín hiệu (Thường xuất hiện trên bo mạch chủ Mini ITX siêu nhỏ).
3. Pin CMOS sử dụng loại Pin nào, mua ở đâu?
Pin CMOS sử dụng là loại Pin cúc áo có mã CR2032, đây là loại Pin được sử dụng phổ biến trong các mẫu đồng hồ. Như vậy, bạn có thể mua Pin CMOS tại các cửa hàng sửa chữa đồng hồ, đồ điện tử, sản phẩm công nghệ và đơn giản nhất là trên sàn Thương Mại Điện Tử Shopee, Lazada, Tiki…
IV. Khi nào Pin CMOS hết? Khi nào cần thay Pin CMOS?
Nếu bạn đang thắc mắc khi nào Pin CMOS hết để thay Pin định kỳ thì chắc khó có ai có thể trả lời cụ thể được. Theo thực tế, có người dùng máy tính vài ba năm Pin CMOS cũng chưa hết, thế nhưng có người chỉ được 1-2 năm thì hết. Vậy nên, việc trả lời câu hỏi này hoàn toàn khó và không có đáp án chính xác. Thế nhưng chúng ta có thể dựa vào một số đặc điểm để nhận biết pin CMOS hết.
1. Ngày giờ trên hệ điều sai lệch, không tự lưu, tự động bị đổi
Một trong số những dấu hiệu nhận biết rõ nhất khi Pin CMOS bị hết đó chính là ngày giờ bị thay đổi tự động về mặc định. Nếu bạn cố gắng chỉnh lại ngày giờ đúng thực tế, chỉ cần khởi động lại là sẽ về mặc định. Đây là một trong số những đặc điểm nhận dạng dễ thấy nhất khi Pin CMOS hết hoặc hỏng.
Trong trường hợp máy tính hết Pin CMOS, bạn đừng cố thay đổi thời gian làm gì vì khi tắt máy chúng sẽ không tự động lưu mà đưa về thời gian mặc định. Lúc này, bạn cần thay Pin CMOS để tiếp tục cập nhật thời gian theo thời gian thực.
2. Thông báo lỗi khi khởi động máy tính
Pin CMOS can thiệp trực tiếp vào quy trình khởi động máy tính, khi Pin hết cũng đồng nghĩa với việc Chip CMOS gặp vấn đề và lỗi “booting error” sẽ xuất hiện. Cụ thể, booting error chính là lỗi không thể phát hiện ra các ổ đĩa trong máy tính để kích hoạt khởi động hệ điều hành.
3. Máy tính bị tắt đột ngột
Một số trường hợp máy tính hết Pin CMOS khiến cho chip CMOS hoạt động kém ổn định gây ra hiện tượng tắt nguồn đột ngột. Tuy nhiên, trường hợp này ít khi xảy ra nên khó phân biệt được lỗi giữa hệ điều hành và hết pin CMOS.
4. Mất thiết lập BIOS cũ
Trong trường hợp bạn có can thiệp vào BIOS điều chỉnh các thông số, thiết lập cấu hình RAM, Chip thì khi Pin BIOS bị hết thì hệ thống sẽ tự động trở về chế độ mặc định của nhà sản xuất. Khi này bạn phải thay Pin CMOS mới có thể thiết lập lại BIOS theo tùy chỉnh cá nhân.
V. Hướng dẫn thay Pin CMOS tại nhà đơn giản
Pin CMOS bất kỳ ai cũng có thể thay, chỉ cần hiểu nguyên lý và cách nhận biết Pin CMOS là có thể thay tại nhà.
Chuẩn bị:
- Tô vít 4 cạnh, 2 cạnh
- Pin CMOS phù hợp (Đa số sử dụng CR2032)
Tiến hành thay thế Pin CMOS tại nhà:
Lưu ý: Tắt nguồn máy tính, rút phích cắm điện hoặc tắt nguồn PSU trước khi thay thế Pin CMOS.
Bước 1: Sử dụng tô vít để tháo phần nắp hông máy tính và để lộ ra bo mạch chủ máy tính.
Bước 2: Xác định vị trí Pin CMOS trên bo mạch chủ đang sử dụng. Vị trí để biết được Pin CMOS đó chính là bạn nhìn xem có viên Pin nào giống hình đồng xu nằm trong khay nhựa hay không?
Đối với một số bo mạch chủ có phần áo giáp che bảo vệ linh kiện, bạn phải gỡ phần áo giáp trên bo mạch chủ mới có thể thấy được vị trí Pin CMOS.
Bước 3: Trong khay lắp đặt Pin CMOS, bạn sẽ thấy một lẫy khóa bằng kim loại để giữ viên Pin trong khay an toàn. Để tháo Pin CMOS, bạn lấy tô vít hoặc đầu ngón tay đẩy nhẹ khóa chốt ra ngoài.
Khi đẩy mở khóa ra ngoài, viên PIN CMOS sẽ tự động bật lên và bạn chỉ cần nhấc ra ngoài.
Bước 4: Bạn đặt viên Pin CMOS mới vào trong khay và nhấn mạnh để viên Pin vào đúng khóa lẫy đặt trong khay pin. Như vậy, bạn đã hoàn tất việc thay thế Pin CMOS trên bo mạch chủ máy tính.
Bước 5: Lắp lại phần giáp bảo vệ bo mạch, phần vỏ cây máy tính và cắm nguồn điện cho máy tính trở lại.
Bước 6: Khởi động máy tính và sử dụng.
Trong bài viết này, Thủ Thuật Phần Mềm đã chia sẻ với bạn toàn bộ các thông tin về Pin CMOS trên máy tính. Chúc bạn một ngày vui vẻ!