Roleplay là gì? Roleplay và Cosplay khác nhau như thế nào?
Mục lục nội dung
Roleplay và Cosplay thường được hiểu theo một nghĩa chung là nhập vai. Tuy nhiên, hai khái niệm này lại có nhiều điểm khác biệt. Hãy cùng Thuthuatphanmem.vn lý giải ngay sau đây!
1. Roleplay là gì?
Roleplay được hiểu theo nghĩa cơ bản là “nhập vai” – sự thay đổi hành vi, cử chỉ và suy nghĩ để vào vai một người khác. Nói đơn giản hơn, khi tham gia nhập vai vào một nhân vật khác, bạn sẽ tưởng tượng bạn chính là nhân vật đó. Bạn sẽ cư xử, nói chuyện và đưa ra những quyết định hệt như nhân vật bạn vào vai.
Thuật ngữ Roleplay được biểu hiện trong cách hoạt động như:
- Tham gia đóng vai nói chung trong các vở kịch, phim ảnh.
- Roleplay cũng có thể diễn ra trong cuộc sống để tạo niềm vui như vai chú hề trong tiệc sinh nhật, trò chơi Ma sói, trò chơi Mèo đuổi chuột.
- Mô phỏng nhập vai trong môi trường thực tập, giáo dục. Ví dụ, một bác sĩ chuyên gia diễn tập cấp cứu để các học viên theo dõi.
- Nhập vai trong các trò chơi điện tử.
Chơi búp bê cũng là một kiểu nhập vai khi bé tưởng tượng mình là một người mẹ. Cô bé sẽ giả vờ ứng xử như người lớn và chăm sóc “đứa con” của mình.
2. Cosplay là gì?
Cosplay được kết hợp từ “costume” (trang phục) và “roleplay” (hóa thân). Như vậy chúng ta có thể hình dung rằng Cosplay là một loại hình chú trọng về hóa trang. Cosplay dành cho những người hâm mộ truyện tranh, anime, tokusatsu, game, phim giả tưởng, nhật vật nổi tiếng… Người chơi sẽ tạo ra ngoại hình giống như nhân vật mình yêu thích và bắt chước những cử chỉ, giọng nói của họ.
Họ thường tham gia các sự kiện, lễ hội liên quan đến tác phẩm nghệ thuật có nhân vật giả tưởng được yêu thích. Thậm chí cũng có những sự kiện được tổ chức dành riêng cho các cosplayer thể hiện khả năng hóa thân của mình.
3. Sự khác biệt giữa Roleplay và Cosplay
Tính hình thức, trình diễn
Cosplay chú trọng về mặt trang phục, ngoại hình. Người tham gia cosplay thường cố gắng mô phỏng lại một nhân vật hư cấu nhất định sao cho giống nhất. Họ làm như vậy bằng cách tạo ra những bộ trang phục rất giống và chân thực.
Các cosplayer tạo cho người xem cảm giác như các nhân vật đang bước ra từ truyện tranh, tiểu thuyết, game,… Đôi khi cosplayer cũng có sự kết hợp với yếu tố Roleplay để làm cho nhân vật trở nên sống động và ấn tượng. Nhưng số đông người tham gia cosplay vẫn chỉ với mục đích hóa trang, thiết kế trang phục, và chụp hình.
Tính kể chuyện
Giống như diễn kịch, Roleplay là khi chúng ta hóa thân hoàn toàn thành một nhân vật khác (do chính mình tạo ra hoặc nhân vật có sẵn). Bạn sẽ phải dựa vào câu chuyện nền của nhân vật, làm nhiệm vụ mà họ được giao. Đồng thời phải hành động, cư xử như thể bạn chính là họ.
Roleplay còn được hỗ trợ bởi bối cảnh, đạo cụ và kịch bản,… để người nhập vai có thể diễn xuất đúng với nhân vật.
Những người đàn ông trong bức ảnh dưới đây không chỉ mặc trang phục trung cổ, họ còn tham gia vào trận chiến giả tưởng và đấu với nhau như thể chiến tranh đang nổ ra.
Thử lấy trò chơi Mèo đuổi chuột làm ví dụ. Khi tham gia vào trò chơi này, bạn sẽ được phân vào vai Mèo hoặc Chuột. Trong khi đó, những người khác sẽ kết nối thành một vòng tròn, nắm tay nhau vời giơ cao lên tạo thành khoảng trống. Khi có hiệu lệnh “bắt đầu”, nếu là Chuột bạn phải chạy khỏi Mèo, và ngược lại.
Như vậy, khi tham gia Roleplay, chúng ta đề cao tính kể chuyện, câu chuyện về mèo và chuột, câu chuyện về những chiến binh trung cổ, vân vân…
Kết
Về cơ bản, Roleplay là khi bạn đã thực sự nhập tâm vào nhân vật và diễn xuất dưới vai trò của họ. Bạn có thể hóa trang thành Ma cà rồng. Một con Ma cả rồng có ngoại hình bắt mắt để chụp ảnh thì gọi là Cosplay. Nhưng khi bạn bắt đầu sợ ánh sáng, tỏ ra bí ẩn và nhạy cảm với máu, đó mới gọi là Roleplay.