Sự khác nhau giữa Photoshop và illustrator
Khi các bạn mới bước vào ngành thiết kế đồ hoạ thì chắc chắn các bạn sẽ phân vân xem học Photoshop hay Illustrator để phục vụ cho công việc. Mặc dù cả hai phần mềm đều đến từ nhà Adobe nhưng chúng vẫn có sự khác biệt rõ rệt nhất định và ảnh hưởng trực tiếp đến các nhu cầu làm việc khác nhau. Để hiểu được về tính năng của Photoshop và Illustrator thì các bạn phải hiểu được bản chất và tính chất của phần mềm. Trong bài viết này, Thủ thuật phần mềm sẽ chia sẻ đến các bạn sự khác biệt giữa Photoshop và Illustrator.
Mục lục nội dung
1. Photoshop – Đồ hoạ Bitmap/ Raster
Bản chất của Photoshop đó chính là chúng làm việc trên những file Bitmap/ Raster và những file này thường xuất hiện dưới các định dạng: JPG/ JPEG/ PNG. Đặc điểm nhận dạng của file Bitmap/ Raster đó chính là chúng hiển thị hình ảnh dựa trên các khối hình vuông nhỏ - hay còn được gọi là Pixel và trong một tấm hình sẽ có hàng triệu, trăm triệu khối vuông nhỏ tạo thành. Những hình ảnh có càng nhiều Pixel thì sẽ càng nét và chúng sẽ không bị vỡ khi phóng to. Trong trường hợp ngược lại, hình ảnh ít Pixel thì khi phóng to sẽ có hiện tượng vỡ, không được mịn và kém sắc nét.
Đồ hoạ Bitmap/ Raster xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, chúng có mặt từ: Ảnh kỹ thuật số, ảnh trên mạng Internet, ảnh chụp từ thiết bị máy ảnh, điện thoại,…
Photoshop là một phần mềm được sinh ra để xử lý các file Bitmap/ Raster vì chúng có thể trộn màu, đổ bóng, tạo hiệu ứng bằng rất nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên thì nhược điểm của các file làm việc trên Photoshop đó chính là không phóng được quá to do chúng được xây dựng dựa trên nhiều Pixel, phóng to hình ảnh sẽ vỡ và vấn đề này thường xuyên xuất hiện trong in ấn sản phẩm.
Photoshop không hướng tới in ấn nhiều nên bộ công cụ mà nhà sản xuất Adobe trang bị cho chúng cũng khác hoàn toàn, chủ yếu là các công cụ tập trung vào chỉnh sửa hình ảnh, hiệu ứng. Nếu như các bạn để ý thì toàn bộ các tính năng trên Photoshop đều xoay quanh việc chỉnh sửa hình ảnh, sáng tạo hình ảnh để sử dụng trên những thiết bị hiển thị bằng màn hình như: Máy tính, điện thoại,…
Ưu/ nhược điểm:
- Phổ biến trong cuộc sống hàng ngày
- File Raster có tính năng pha màu linh hoạt, dùng cọ, đổ màu gradient, tạo hiệu ứng,…
- Raster không thể phóng quá to vì chúng sẽ bị vỡ
- Raster gặp khó khăn trong việc đổ màu theo mảng vì các Pixel nằm cạnh nhau sẽ có nhiều tông màu khác nhau
2. Illustrator – Đồ hoạ Vector
Nếu như Photoshop sử dụng Raster thì Illustrator lại sử dụng Vector, đồ hoạ Vector có nghĩa là nội dung hình ảnh được dựng trên các Line (đường thằng) thay vì Pixel (ô vuông) trong Raster. Lợi thế lớn nhất của việc hình ảnh dựng trên các Line đó chính là khi các bạn phóng to thế nào đi chăng nữa chúng cũng không thể vỡ được. Chính vì vấn đề này mà Adobe đã nhấn mạnh rằng Illustrator là một trong số những công cụ phục vụ thiết kế in ấn hàng đầu thế giới.
Khi Adobe hướng Illustrator thành một phần mềm chuyên để thiết kế dành cho in ấn thì bộ công cụ mà họ trang bị cho Illustrator cũng được thay đổi để phù hợp. Toàn bộ các công cụ trên Illustrator chỉ xoay quanh việc sáng tạo nội dung bằng mảng khối, hình hộp và những đường thẳng,…
Ưu/ nhược điểm:
- Phóng to/ thu nhỏ tuỳ ý mà không cần quan tâm đến kích thước gốc
- Thay đổi mảng màu cực dễ
- Bộ công cụ khó sử dụng và cách làm việc có phần phức tạp hơn
3. Trong trường hợp cụ thể
Mặc dù cả hai phần mềm Photoshop và Illustrator đều hỗ trợ in ấn trực tiếp, tuy nhiên chúng ta hãy cùng đặt chúng vào một trường hợp như sau:
" Thiết kế và in Banner Background có kích thước 3m x 2m"
- Đối với Photoshop, người sử dụng sẽ tạo một Background có kích thước đúng như vậy để khi in không bị vỡ và bắt đầu làm việc. Tuy nhiên các bạn hãy nhớ rằng kích thước Background càng lớn thì file càng nặng và phần mềm sẽ càng giật lag, chưa kể khi các bạn thêm các hiệu ứng khác nhau. Trong một số trường hợp thiết kế file lớn như vậy thì dung lượng có thể lên tới vài GB. Mặc dù có dung lượng tới vài GB, tuy nhiên chúng chỉ phù hợp khi in đúng kích thước hoặc nhỏ hơn kích thước của Background, nếu in lớn hơn sẽ vỡ.
- Đối với Illustrator, người sử dụng không cần quan tâm đến kích thước của Background, họ chỉ cần tạo một file làm việc với đúng tỉ lệ là được. Sau khi chuyển tới công đoạn in, họ chỉ cần thiết lập thông số in trên thanh công cụ là xong, hình ảnh sẽ được in ra và không hề bị vỡ, thậm chí là phía khác hàng yêu cầu thay đổi kích thước Background thì các bạn cũng chỉ cần vài phút là xong. Không chỉ linh động trong việc in ấn, kích thước file AI cũng nhẹ hơn rất nhiều so với việc thiết kế file nguyên bản trên Photoshop.
Trong bài viết này, Thủ thuật phần mềm đã chia sẻ đến các bạn những sự khác biệt của Photoshop và Illustrator đến từ nhà Adobe. Chúc các bạn một ngày vui vẻ!