Thiết bị lưu trữ NAS là gì? Những ai nên sử dụng NAS
Mục lục nội dung
Khi các bạn tìm hiểu về những hệ thống lưu trữ phổ biến dành cho máy tính thì NAS sẽ luôn xuất hiện trong những danh sách đề xuất. Vậy hệ thống NAS, thiết bị lưu trữ NAS là gì và chúng hoạt động ra sao trong các hệ thống lưu trữ lớn. Bài viết này sẽ giới thiệu về thiết bị lưu trữ NAS và nhóm người nên sử dụng NAS lưu trữ.
1. Thiết bị lưu trữ NAS là gì?
NAS - Network Attached Storage: Ổ cứng mạng
Nếu như các bạn làm việc trong công ty hoặc doanh nghiệp lớn thì các bạn sẽ thấy các máy tính trong công ty được Share LAN, điều này có nghĩa là các máy trong hệ thống mạng đó có thể truy cập và sử dụng chung những tài liệu được chia sẻ trong mạng LAN. Việc Share LAN này có tốc độ truy xuất (tải lên/ tải xuống) cao và chúng chỉ cần một người chia sẻ là tất cả những người khác có thể sử dụng được. Tuy nhiên Share LAN gặp một số vấn đề như: Dung lượng không lớn, tốc độ truy xuất chậm trong một số trường hợp,… và điều này đã tạo điều kiện cho Thiết bị lưu trữ NAS ra đời.
Thiết bị lưu trữ NAS là một máy tính cơ bản tối giản (tức là có đầy đầy đủ bo mạch, CPU, RAM,…) và chúng cũng có một hệ điều hành đi kèm. Thông thường các nhà sản xuất NAS sẽ sử dụng CPU giá rẻ (có thể là ARM hoặc Intel Mobile CPU,….) và hệ điều hành sẽ là bản Linux rút gọn để mượt mà và có kết nối mạng đa dạng (không dây/có dây).
Mặc dù thiết bị lưu trữ NAS là một máy tính cơ bản tối giản nhưng khu vực lưu trữ của chúng không bị tối giản một chút nào, thậm chí còn xịn gấp rất nhiều lần so với phần cứng. Thông thường, hệ thống NAS được trang bị rất nhiều ổ cứng 2.5/ 3.5 inch (SSD hoặc HDD) và dung lượng của chúng thông thường từ 2TB trở lên.
Như vậy, chúng ta đã biết thiết bị lưu trữ NAS là những máy tính cơ bản và có dung lượng lưu trữ rất rất lớn. Vậy chúng dùng để làm gì?
Thiết bị lưu trữ NAS ra đời với một mục đích duy nhất là lưu trữ dữ liệu cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ. Đối với những doanh nghiệp lớn, họ sẽ ưu tiên sử dụng SAN hơn NAS vì chúng có dung lượng lưu trữ khổng lồ. Nếu như các bạn chưa hình dung ra NAS có thể làm gì cho các doanh nghiệp thì dưới đây là một số ví dụ: Máy chủ Web hỗ trợ web server, PHP hay MySQL, trung tâm lưu trữ,…
Nếu như ví dụ về doanh nghiệp vẫn chưa giúp các bạn hiểu thì ví dụ này sẽ đơn giản hơn nhiều. Bạn có một nhóm làm việc về mảng dựng phim, mỗi người trong nhóm sẽ chịu trách nhiệm dựng một phân đoạn trong phim. Giả sử trong nhóm có 10 người, làm việc trên 10 máy tính riêng biệt và tổng dữ liệu Footage (cảnh quay) có dung lượng là 5TB. Vậy để lưu trữ được Footage trên máy của 10 người thì mỗi máy phải có dung lượng lưu trữ ít nhất là 5TB. Nếu như xét về mặt đầu tư thiết bị thì đây không phải một phương án tốt vì mỗi ổ cứng 5TB có giá thành tương đối cao. Thay vào đó, chúng ta sử dụng hệ thống NAS 8TB để lưu toàn bộ Footage (cảnh quay), toàn bộ 10 máy tính làm việc sẽ kết nối vào NAS để sử dụng các cảnh quay đó dựng thành phim. Việc đầu tư NAS 8TB sẽ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với việc đầu tư 10 máy tính có ổ cứng 5TB.
Trên thị trường hiện nay, hệ thống lưu trữ NAS đang được chia làm 03 loại chính như sau:
- NAS cá nhân: Thường hỗ trợ các cổng USB, ổ cứng gắn chết với dung lượng tương đối.
- NAS cho văn phòng, người dùng cao cấp: Hỗ trợ ổ cứng rời, hỗ trợ giao tiếp iSCSI…
- NAS cho doanh nghiệp nhỏ: Hệ thống hỗ trợ lưu trữ lớn và kết hợp bảo mật cao cấp, các công nghệ lưu trữ hiện đại cũng xuất hiện: RAID, Active Directory, Web Server, Firewall,...
2. Những ai nên sử dụng NAS
Trên thực tế, NAS được áp dụng vào rất nhiều ngành nghề cần lưu trữ khác nhau nên chúng sẽ không thể gói gọn vào thành một nhóm người nhất định. Tuy nhiên dưới đây là danh sách những công việc thường cần đến hệ thống NAS.
- Người dùng có nhu cầu lưu trữ lớn.
- Người dùng có nhu cầu chia sẻ dữ liệu lớn với các máy tính khác trong cùng một hệ thống mạng.
- Doanh nghiệp cần thiết bị lưu trữ, truy xuất riêng.
- Doanh nghiệp cần thiết bị lưu trữ chung cho tất cả các nhân viên.
- Rất nhiều ứng dụng khác….
Trong bài viết này, Thủ thuật phần mềm đã chia sẻ đến các bạn hệ thống lưu trữ NAS và ứng dụng của NAS trong cuộc sống. Chúc các bạn một ngày vui vẻ!